Trang chủ » Tin tức » Bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỷ đồng trong 11 năm điều trị

Bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỷ đồng trong 11 năm điều trị

    Phan Hữu Nghiêm (37 tuổi, ngụ Vĩnh Long) được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) làm thủ tục xuất viện sau 11 năm ròng rã chữa bệnh rối loạn đông máu (Hemophilia A).

    Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân đã điều trị tại BV 11 năm, trải qua 26 lần phẫu thuật với tổng chi phí 40,8 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 38,3 tỷ đồng. Đây cũng là ca bệnh được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn nhất từ trước đến nay.


    Năm 19 tuổi, trong một lần tắm sông, anh Nghiêm bị ngã đập mạn sườn vào thành xuồng nên xuất hiện khối máu tụ ở hông, năm 2010 bệnh nhân nhập viện với khối đông máu kích thước lớn ở hông trái nhưng không thể phẫu thuật vì không cầm được máu do mắc bệnh Hemophilia A. BV đã dùng phương pháp xạ trị để giảm kích thước khối u nhưng không thể ngăn được khối u ngày càng lớn. Đến năm 2014 khối máu tụ này càng to và vỡ ra gây nhiễm trùng hoại tử trong ổ bụng nên anh đã được các bác sĩ xử lý lấy khối máu tụ nặng 2,5 kg để lại vết hổng lớn bên hông trái. Tuy nhiên, sau đó vết thương không lành mà nhiễm trùng, hoại tử dai dẳng. Từ đó, suốt 7 năm, Anh Nghiêm phải nhiều lần trải qua phẫu thuật để xử lý vết thương. Các bác sĩ đã điều trị yếu tố VIII giúp đông máu và phương pháp hút áp lực âm giúp hút dịch ra khỏi vết hổng lớn bên hông trái của bệnh nhân.


    Cũng theo bác sĩ Việt, ngày 13 tháng 4 bệnh nhân sẽ được xuất viện, trong thời gian điều trị, quỹ BHYT đồng ý chi trả 100% chi phí điều trị giúp gia đình bệnh nhân thoát khỏi áp lực tài chính.
    Theo tài liệu y khoa, Hemophilia là bệnh rối loạn đông máu do thiếu một trong ba yếu tố đông máu (yếu tố VIII, IX và X), bệnh gây chảy máu kéo dài. Hemophilia xảy ra sau chấn thương như bị đứt tay, chân, chảy máu chân răng do nhổ răng, va đập ở miệng. Sau phẫu thuật, chảy máu khó cầm, có thể gây ra tụ máu lớn hoặc mất máu nặng. Chảy máu có thể xảy ra ở đường tiêu hóa, đường tiết niệu. Chảy máu ở não, phổi, có thể gây tử vong hoặc tàn phế nặng.
    Quá trình điều trị Hemophilia lâu dài và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng 400-500 triệu đồng một năm. Đối với bệnh nhân bị Hemophilia nặng, chi phí điều trị có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA